- Chuyên mục: Bưu chính - Viễn Thông
- Lượt xem: 1130
- Viết bởi Super User
- Chuyên mục: Bưu chính - Viễn Thông
- Lượt xem: 107
- Viết bởi LyVT
Mạng di động ảo Reddi của Tập đoàn Masan vừa ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác.
Như vậy, Reddi là mạng di động thứ 8 và là mạng cuối cùng chính thức ký thoả thuận cam kết để thực hiện kế hoạch ngăn chặn và xử lý cuộc gọi rác và kế hoạch quản lý thông tin thuê bao di động, ngăn chặn, xử lý SIM có dấu hiệu tồn kênh. Trước đó, ngày 29/8/2022, dưới sự chứng kiến của Cục Viễn thông, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, Vietnamobile, Local, Itel và Gmobile đã cùng ký thoả thuận cam kết này.
Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh rằng cần sự chung tay của cả xã hội mới giải quyết triệt để vấn đề. Sau khi thuê bao nghi ngờ kết thúc cuộc gọi, nhà mạng gửi tin nhắn cho người dùng trực tiếp phản hồi. Chính người dùng sẽ quyết định một thuê bao có phải là thuê bao thực hiện cuộc gọi rác hay không. Các nhà mạng sau đó sẽ xử lý dựa trên quy định đã có.
Thứ trưởng Phạm Đức Long khẳng định sẽ kiên quyết thanh tra và xử phạt công khai những nhà mạng không nghiêm túc thực hiện việc xử lý SIM rác, phải làm sạch thông tin thuê bao, tránh gây hệ lụy cho xã hội, không thể bắt người dân chịu gánh nặng này.
Hiện trên thị trường di đông Việt Nam có 4 mạng di động ảo là: Local, iTel và Reddi. Công ty TNHH Dịch vụ số DIGILIFE Việt Nam (thuộc VNPAY - Fintech hàng đầu trong lĩnh vực thanh toán điện tử tại Việt Nam) cũng đã chính thức được cấp giấy phép kinh doanh mạng viễn thông di động ảo. Trong đó, mạng di động Local sử dụng hạ tầng của MobiFone. Mạng iTel sử dụng hạ tầng của VNPT. Hiện chỉ còn DIGILIFE Việt Nam chưa công sẽ sử dụng hạ tầng của nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nào.
Mạng đi động ảo thương hiệu Reddi có đầu số 055 và sử dụng hạ tầng của VNPT để cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Hồi tháng 9/2021, Công ty TNHH The Sherpa – một thành viên của Tập đoàn Masan đã công bố hoàn tất mua lại 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast, đơn vị đang sở hữu mạng di động ảo Reddi với số tiền là 295,5 tỷ đồng.
Masan hiện sở hữu các nền tảng tiêu dùng từ các công ty thành viên và liên kết như VinCommerce, Techcombank và Phúc Long. Để phục vụ gần 15 triệu người tiêu dùng am hiểu và thường xuyên sử dụng các dịch vụ số, Masan cần có giải pháp tích hợp sản phẩm và dịch vụ số vào nền tảng tiêu dùng. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu cho Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online. “Point of Life” là hệ sinh thái tiêu dùng duy nhất phục vụ từ nhu yếu phẩm, dịch vụ tài chính đến dịch vụ số. Đây là những dịch vụ thiết yếu chiếm 80% chi tiêu tiêu dùng của người Việt. Sau thương vụ này, Reddi được tiếp cận độc quyền đến tập khách hàng của Masan thông qua các điểm bán trực tiếp và trực tuyến trên toàn quốc.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, mạng di động ảo là mô hình mới tại Việt Nam. Hiện Việt Nam có 2 nhà mạng cung cấp theo mô hình này. Đây là mô hình có thể triển khai nhanh các dịch vụ trên toàn quốc, tiết kiệm hạ tầng và tài nguyên, mang lại giá trị mới cho khách hàng.
Theo Vietnamnet
- Chuyên mục: Bưu chính - Viễn Thông
- Lượt xem: 126
- Viết bởi LyVT
Sáng 21/8/2022, tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức giải chạy “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ II. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 77 năm ngày Truyền thống ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2022); 75 năm thành lập Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam (30/8/1947 - 30/8/2022); chào mừng thành công Đại hội Đoàn các cấp và Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Tổng công ty Bưu điện Việt Nam lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 – 2027 .
Các đại biểu cùng toàn thể các vận động viên tham gia nhảy khởi động
Giải chạy “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ hai được tổ chức tạo động lực cho hơn 5 vạn người Bưu điện trên toàn quốc, khuyến khích, thu hút đông đảo cán bộ công nhân viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng lao động trẻ ngành Bưu điện tích cực rèn luyện thân thể, nâng cao tinh thần, khát vọng cống hiến. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các đoàn viên, thanh niên và cán bộ, công nhân viên, người lao động trong Tổng công ty giao lưu, học hỏi, nâng cao tinh thần đoàn kết, phối hợp nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty nhấn mạnh, giải chạy marathon “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ II năm 2022 được tổ chức sẽ là cơ hội giao lưu, học hỏi, cọ xát bổ ích, ý nghĩa qua đó tăng thêm sự hiểu biết, gắn bó giữa các đơn vị, các vận động viên trong công việc và cuộc sống; đồng thời, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, rèn luyện sức khỏe, nâng cao tinh thần vui vẻ, yêu ngành, yêu nghề phục vụ tốt công tác chuyên môn, nâng cao tinh thần, cùng xây dựng hình ảnh thương hiệu, văn hóa doanh nghiệp Bưu điện Việt Nam thân thiện, hiện đại.
Trước đó, năm 2019, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã tổ chức thành công giải chạy việt dã “Bưu điện Việt Nam - Vì thế hệ trẻ” lần thứ Nhất. Năm 2020, Bưu điện Việt Nam tổ chức Giải chạy trực tuyến “Vượt trên thách thức - Dẫn lối thành công” để phù hợp với xu thế mới trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và quy định về giãn cách xã hội vẫn còn được áp dụng ở nhiều nơi.
|
Theo Mic.gov.vn
- Chuyên mục: Bưu chính - Viễn Thông
- Lượt xem: 90
- Viết bởi LyVT
Chiều ngày 26/7/2022, tại Hà Nội, khối Viễn thông gồm các đơn vị Vụ Công nghệ thông tin, Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông, Cục Bưu điện Trung ương, Trung tâm Internet Việt Nam, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, Ban quản lý chương trình cung cấp dịch vụ VTCI và Báo VietNamNet đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Khối Viễn thông có nhiều kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2022
Tại Hội nghị, các đơn vị trong khối đã thông tin một số kết quả nổi bật trong công tác QLNN của các đơn vị trong 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, đại diện cho Vụ CNTT, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ CNTT cho biết doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt 72,5 tỷ USD tăng trưởng 17,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử, ước đạt 57 tỷ USD tăng 16,4% so với cùng kỳ trong đó xuất khẩu máy tính ước đạt 29,1 tỷ USD tăng 21,8% và xuất khẩu điện thoại ước đạt 27,9 tỷ USD tăng 11,2% so với cùng kỳ. Số DN công nghệ số ước đạt 67.300 tăng 3.422 doanh nghiệp so với tháng 12/2021, đạt tỷ lệ xấp xỉ khoảng 0,69 DN/1.000 dân (bằng 98% kế hoạch năm là 0,7 DN/1.000 dân). Ngoài ra, tỷ lệ giá trị Make in Viet Nam trong cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT đạt 26,72% với giá trị ước đạt khoảng 19,4 tỷ USD. Doanh thu tăng trưởng cao nhất trong các nhóm ngành kinh tế gấp hơn 2 lần tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm (7,72%).
Thông tin về kết quả nổi bật trong công tác của Cục Tần số Vô tuyến điện 6 tháng đầu năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện Lê Thái Hoà cho biết Cục đã xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số Vô tuyến điện trình kèm Hồ sơ dự án Luật; Đang triển khai các công tác liên quan về đấu giá băng tần 2,3 GHz -2,4 GHz cho thông tin di động IMT; băng tần 2,6 GHz và 3,5 GHz và dự kiến triển khai tổ chức đấu giá vào tháng 7/2023 và hoàn thành vào tháng 12/2023; thực hiện các báo cáo về đề án thay thế 02 vệ tinh viễn thông.
Bên cạnh đó, Cục đã đề xuất Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 11/2022/TT-BTC ngày 21/02/2022 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí cấp giấy phép sử dụng tần số VTĐ và phí sử dụng tần số VTĐ; Tổ chức kiểm soát tần số, góp phần đảm bảo an toàn thông tin phục vụ SEAGAMES 31; Phát hiện, xử lý BTS giả…
Về một số kết quả nổi bật của Cục Viễn thông, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông cho biết Quốc Hội đã chính thức thông qua Luật Viễn thông sửa đổi và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 tại Nghị quyết số 50/2022QH15 ngày 13/6/2022; Số lượng thuê bao di động sử dụng dịch Mobile Money tính đến thời điểm hiện tại tăng 4 lần so với tháng 1/2022 (sau 01 tháng triển khai); Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9% so với cùng kỳ năm năm 2021; tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Mục tiêu đạt 75% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang vào năm 2022 là khả thi. Bên cạnh đó, tính đến 30/6/2022, các doanh nghiệp đã phủ sóng được 1857/2212 thôn lõm sóng, ưu tiên triển khai phủ sóng vùng lõm tại các khu vực vùng sâu vùng xa vùng đặc biệt khó khăn. Dự kiến hoàn thành phủ sóng toàn bộ số thôn còn lại (355 thôn) trước 30/7/2022.
Ông Trần Duy Ninh, Cục trưởng Bưu điện Trung ương cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Bưu điện Trung ương đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, an toàn phục vụ Lãnh đạo và các cơ quan Đảng, Nhà nước. Các hệ thống phục vụ hoạt động ổn định, an toàn, chất lượng, phạm vi rộng toàn quốc, qua 4 cấp chính quyền; Phục vụ các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp thường xuyên, đột xuất của Lãnh đạo Đảng, đặc biệt là các sự kiện quan trọng của quốc gia như: phục vụ kỳ họp Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị TW 5, khoá XIII…Theo định hướng của các chiến lược quốc gia và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Cục Bưu điện Trung ương đã chủ trì xây dựng phương án, điều phối nguồn lực của các doanh nghiệp triển khai kết nối mạng đến 4 cấp hành chính với trên 11.300 điểm kết nối, chủ động xây dựng phương án và thí điểm việc thống nhất, tối ưu mạng, các công cụ quản lý, giám sát, kiểm soát tập trung...
Đại diện Trung tâm Internet Việt nam, Giám đốc Nguyễn Hồng Thắng cho biết, tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ sử dụng IPv6 trên Internet Việt Nam đạt 50%. Việt Nam đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 10 toàn cầu. Dịch vụ IPv6 được cung cấp rộng rãi tới người sử dụng với hơn 50 triệu người dùng, truy cập Internet với IPv6 qua FTTH, 3G, 4G … Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn của các địa phương, Bộ, ngành, doanh nghiệp. Các kết quả trên cũng cho thấy cách làm, nội dung, tiến độ công tác thúc đẩy triển khai IPv6 Việt Nam và Chương trình IPv6 For Gov đã được triển khai hiệu quả...
Bên cạnh đó, Ban quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và Quỹ Viễn thông công ích cho biết, Ban đã hỗ trợ cung cấp dịch vụ VTCI đến năm 2020; Đã trình Bộ phê duyệt quyết toán các hợp đồng đặt hàng và các dự án theo nội dung Quyết định 1168/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đã trình các hợp đồng đặt hàng theo Quyết định 1159/QĐ-TTg và hướng dẫn triển khai chương trình theo Quyết định 2269/QĐ-TTg; Trình Bộ TT&TT phê duyệt quyết toán của 05 doanh nghiệp viễn thông VNPT, Viettel, Vishipel, Mobifone, VNPos.
Quỹ Viễn thông công ích đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ đấu thầu mua sắm máy tính bảng theo cam kết thực hiện Chương trình "Sóng và máy tính cho em"; xây dựng phương án hỗ trợ đầu tư và phát triển hạ tầng viễn thông từ Quỹ theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet cho biết thực hiện kế hoạch của Bộ TT&TT năm 2022 về tổng tiến công chuyển đổi số, Vietnamnet cũng thực hiện tổng tiến công cho báo. Ngoài ra, báo đã tập trung xây dựng Chiến lược phát triển và chương trình hành động thực hiện chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2025; Xây dựng Kế hoạch CĐS và Chương trình hành động thực hiện Kế hoạch CĐS giai đoạn 2021-2025; Xây dựng kế hoạch thực hiện theo tuần các nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; Xây dựng Kế hoạch cụ thể hóa 10 chữ vàng truyền thống và phương châm hành động của ngành TT&TT.
Tiếp cận quản lý nhà nước theo hướng mới để phát triển
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của các đơn vị để đạt được các chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm 2022.
Thứ trưởng yêu cầu các các đơn vị trong khối Viễn thông phải lưu ý xem xét tư tưởng trong quản lý từng lĩnh vực của các đơn vị, phải có cách tiếp cận quản lý nhà nước theo hướng mới, tránh đi vào lối cũ. Đó là phải xây dựng và hoàn thiện thể chế vì thể chế là động lực cho sự phát triển. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu kỹ, để xây dựng các luật có giá trị, không bị chồng chéo. Đặc biệt trong xây dựng luật trong thời đại cách 4.0, phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế
Chỉ đạo các đơn vị tại hội nghị, Thứ trưởng chỉ đạo Vụ CNTT, khi xây dựng và hoàn thiện Luật công nghiệp công nghệ số phải chú ý việc xây dựng các quy định để phát triển các lĩnh vực. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách phải có các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể bám vào sự phát triển của hạ tầng của nền kinh tế số.
Về thực thi quản lý nhà nước, Thứ trưởng đề nghị công tác thực thi thể chế phải nghiêm minh. “Chúng ta muốn dẫn dắt sự phát triển của đất nước phải tham gia vào công tác thực thi, triển khai các công tác cụ thể… Hiện nay, là thời đại kinh tế số làm từ từ thì không phát triển được.
Thứ trưởng cũng cho biết công nghiệp, công nghệ số được kỳ vọng vì sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế số. Lĩnh vực này sẽ hội tụ với các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam tham gia COP 26, bản chất là phân lại toàn bộ thị trường năng lượng, thiết bị. Vì vậy, tất cả các nhà máy, công xưởng phải thay thiết bị tiết kiệm năng lượng. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sản xuất ra các thiết bị, đáp ứng các tiêu chuẩn của COP 26. Đây là không gian mới được mở ra cho các doan nghiệp số.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Các đơn vị trong khối cần bước ra khỏi lĩnh vực viễn thông đang co hẹp lại, để đi sang các lĩnh vực mới. Cả thế giới đang thay đổi, lĩnh vực phải hướng tới không gian tăng trưởng mới và phải an toàn. Không gian phát triển còn nhiều lắm, cần cách tiếp cận mới, cách thực thi mới.
Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị quản lý lĩnh vực, xây dựng chính sách phải có số liệu, để từ đó phân tích, chỉ đạo. Các đơn vị phải có cơ sở dữ liệu chính sách các nước quản lý lĩnh vực này như thế nào. Các đơn vị phải có những việc làm mới trong quý, trong năm.
“Các đơn vị với vai trò quản lý nhà nước cần phải dẫn dắt sự phát triển lĩnh vực của đất nước trong lĩnh vực CMCN 4.0, cuộc cách mạng mà Đảng, nhà nước kỳ vọng để phát triển đất nước. Từng cán bộ trong khối dẫn dắt trong lĩnh vực của mình thì đất nước phát triển”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã trao Huân chương Lao động Hạng Nhất, Bằng khen Thủ tướng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
- Chuyên mục: Bưu chính - Viễn Thông
- Lượt xem: 147
- Viết bởi LyVT
Ngày 15/8/2022 tại Hà Nội, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc cùng Hệ thống chia chọn tự động công nghệ Cross Belt hiện đại nhất hiện nay. Tới dự Lễ khai trương có đại diện Lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT; Bộ Công an và các phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí tại Hà Nội.
Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào và khách mời tham quan hệ thống dây chuyền chia chọn tự động ứng dụng công nghệ Cross Belt
Với diện tích tổng thể hơn 42.000m2 và 28.000m2 cho khu vực chia chọn, Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc đặt tại Mê Linh (Hà Nội) đảm nhận khai thác, kết nối vận chuyển, lưu thông hàng hóa và trao đổi các chuyến thư quốc tế cho 21 tỉnh, thành phía Bắc. Đây cũng là hạ tầng đặc biệt quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ Logistics, E-Commerce tại khu vực thành phố Hà Nội, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của Vietnam Post và yêu cầu đa dạng của khách hàng trong bối cảnh thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tại Trung tâm, Vietnam Post đã lắp đặt hệ thống dây chuyền chia chọn tự động ứng dụng công nghệ Cross Belt với công suất trên 24.000 bưu kiện/giờ. Bên cạnh đó, hệ thống đã tích hợp và đưa nền tảng số Make in Viet Nam do chính Bưu điện Việt Nam nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thực tế. Trong đó nổi bật nhất là nền tảng Địa chỉ số gắn với bản đồ số Vmap - đây là 1 trong 35 nền tảng chuyển đổi số Quốc gia đã được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Toàn bộ quy trình chia chọn hàng hóa tại Trung tâm đều tự động hóa, được kiểm soát bằng mã vạch. Với ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cùng khả năng thu nhận thông tin và phân tích hình ảnh bưu gửi, hệ thống cho phép chia chọn bưu kiện tốc độ cao, chính xác 100% theo gần 300 hướng đến tận cấp huyện và cấp xã. Qua đó giúp Bưu điện Việt Nam nâng cao năng suất, chất lượng dịch vụ, rút ngắn 70% thời giao nhận khai thác hàng hóa, nâng cao trải nghiệm và hiệu quả hoạt động của khách hàng, đặc biệt là doanh nghiệp thương mại điện tử.
Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực phía Bắc đi vào hoạt động sẽ là mảnh ghép hoàn chỉnh để Bưu điện Việt Nam kiện toàn, hiện đại hóa nền tảng hạ tầng tổ chức sản xuất theo hướng tự động hóa trên toàn mạng lưới.
Cùng với 6 HUB trung tâm khai thác vùng được đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ hiện đại gồm: Bắc Trung bộ đặt tại Nghệ An, miền Nam tại Hiệp Phước, miền Trung tại Hoà Khánh - Đà Nẵng, Đông Bắc bộ tại Hải Phòng, Nam Trung bộ tại Khánh Hoà, Tây Nam bộ tại Cần Thơ và 63 trung tâm khai thác cấp tỉnh, hơn 700 trung tâm khai thác cấp huyện và 10.600 điểm cung cấp dịch vụ, giao nhận hàng hoá cấp xã tạo nên hệ sinh thái khép kín, hiện đại từ công đoạn chấp nhận, khai thác, chia chọn, phát hàng hóa tới tận địa chỉ khách hàng yêu cầu, tiến tới cung cấp giải pháp hoàn tất đơn hàng tự động cho khách hàng lớn nhất Việt Nam. Qua đó, đảm bảo lưu thông dòng chảy hàng hóa thông suốt trong nước và quốc tế.
Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp bưu chính đáp ứng yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và tốc độ tăng trưởng của thị trường chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử e-commerce, logistics trong thời gian tới.
Với hệ sinh thái đồng bộ về hạ tầng chuyển phát, xe chuyên dụng, tải cứng đường sắt, hàng không lớn nhất cùng hệ thống kho hàng hoá, kho ngoại quan, kho lạnh với tổng diện tích lên tới hàng trăm ngàn ha được đầu tư công nghệ hiện đại theo tiêu chuẩn Quốc tế, Vietnam Post đang từng bước khẳng định vị thế số 1 trong ngành dịch vụ vận tải, logistics và giao hàng chặng cuối.
Bên cạnh việc nâng cao năng lực hạ tầng của mạng lưới bưu chính đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ công ích, phục vụ Đảng, Chính phủ, Nhà nước và Nhân dân, Bưu điện Việt Nam sẽ tiếp tục ứng dụng các nền tảng số nhằm đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng, gia tăng công suất lưu thoát hàng hóa trên 200%, rút ngắn thời gian chuyển phát hàng hóa từ 1-2 ngày. Vietnam Post cũng sẽ góp phần tạo thêm những xung lực mới trong việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của bưu chính Việt Nam, thực hiện mục tiêu phát triển bưu chính thành một trong các hạ tầng quan trọng, thiết yếu của Quốc gia trong phát triển kinh tế số.
THU HƯƠNG (mic.gov.vn)
Các bài khác...
- Viettel Telecom cung cấp thiết bị định vị thông minh vTag
- Vietnam Post và Lao Post tăng cường hợp tác để trở thành điểm sáng trong quan hệ song phương Việt - Lào
- Đào tạo về IPv6 cho các cán bộ CNTT các tỉnh, thành phố miền Bắc, Bắc Trung Bộ
- Bộ TT&TT phát hành đặc biệt bộ tem " Truyện cổ tích Việt Nam: Cây Khế"
Chuyên mục phụ
Thanh niên Bưu điện Việt Nam thúc đẩy chuyển đổi số
Sáng ngày 30/6/2022, tại Hà Nội, Đoàn Thanh niên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2022 - 2027, với sự tham gia của 131 đại biểu chính thức, đại diện cho 2.685 đoàn viên tại 07 cơ sở đoàn trực thuộc. Đại hội đã bầu đồng chí Lê Xuân Huy tái đắc cử giữ chức vụ Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Ban chấp hành Đoàn thanh niên TCT Bưu điện Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 ra mắt đại hội
Đại hội là diễn đàn quan trọng để tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn nhiệm kỳ 2017 - 2022, đưa ra những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác đoàn và phong trào thanh niên nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam được Đảng ủy, Chuyên môn quan tâm, tin tưởng giao nhiệm vụ và thử thách mới để thanh niên có cơ hội khẳng định, tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của ngành Bưu điện và đất nước. Vai trò của tổ chức Đoàn ngày càng được nâng cao và phát huy được những tiềm năng, thế mạnh. Đặc biệt, nửa sau của nhiệm kỳ là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và công tác Đoàn, phong trào thanh thiếu nhi.
Tuy nhiên, phát huy tinh thần xung kích và tiên phong, tuổi trẻ Bưu điện Việt Nam đã sáng tạo và linh hoạt ứng phó với những khó khăn do dịch bệnh gây ra, triển khai hiệu quả 04 phong trào và 03 chương trình đồng hành với quyết tâm hoàn thành xuất sắc việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III và Nghị quyết Đại hội Đoàn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam lần thứ II, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Cùng với đó, dưới sự chỉ đạo của Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương, Đảng ủy Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017 - 2022, Ban Thường vụ Đoàn Tổng công ty đã cụ thể hoá các chủ trương, kế hoạch, nghị quyết của Đảng, của Đoàn, từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên có phẩm chất đạo đức chính trị vững vàng, sẵn sàng vượt thử thách, tạo nên những thành công và sự ổn định về mặt tư tưởng dù trong đại dịch hay trong những giai đoạn cao điểm trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty, thể hiện rõ sứ mệnh phục vụ công đồng mà ở đó, lực lượng thanh niên luôn tiên phong trên tuyến đầu thực hiện.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, phát huy lợi thế cùng với sự quan tâm sát sao của Đảng bộ Tổng công ty, Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương, sự đồng hành của Công đoàn, các Ban chuyên môn, các đơn vị trực thuộc, các Bưu điện Tỉnh thành phố. Trong nhiệm kỳ 2017-2022, 100% các chỉ tiêu kế hoạch của Đoàn Tổng công ty đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Có thể kể đến là 167 công trình thanh niên các cấp được triển khai, các chương trình an sinh xã hội đạt 5 tỷ đồng, vận động hiến tặng 2000 đơn vị máu, giới thiệu 273 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp, trong đó có 150 đoàn viên ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn Tổng công ty cũng vinh dự được đón nhận những phần thưởng cao quý của Trung ương Đoàn, Đoàn Khối, các Bộ, Ngành và Đảng ủy Tổng công ty như: Cờ thi đua xuất sắc của Trung ương Đoàn năm 2019, Bằng khen của Trung ương Đoàn năm 2017, 2018, 2020; Cờ đơn vị xuất sắc của Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương 5 năm liền từ năm 2017 - 2021; Bằng khen Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương giai đoạn 2017 – 2021; Giấy khen Hội đồng thành viên Tổng công ty giai đoạn 2017 - 2022.
Tổng Giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào cho biết: Bưu điên Việt Nam luôn coi “Thanh niên là giường cột của Bưu điện Việt Nam” và đặt trọn vẹn niềm tin vào thế hệ trẻ hôm nay, bởi đây chính là lực lượng quan trọng đang ra sức cống hiến, xây dựng và có những đóng góp lớn cho sự phát triển chung của toàn ngành.
“Tôi tin tưởng rằng các bạn đoàn viên, thanh niên của Tổng công ty ở mọi miền Tổ quốc đang rèn đức, luyện tài, phát huy truyền thống tốt đẹp của Ngành để cống hiến sức trẻ, sức thanh xuân cho sự nghiệp và khẳng định bản thân. Chính nhờ sự nỗ lực đó mà nhiều đề tài sáng tạo, nhiều công trình, dự án lớn của Bưu điện Việt Nam có sức ảnh hưởng to lớn với cộng đồng, xã hội đã được tuổi trẻ Vietnam Post thực hiện. Trong dòng chảy chuyển đổi số quốc gia, chính lực lượng thanh niên là đội ngũ nòng cốt triển khai nhiều đề án số mang tính nền tảng phục vụ chuyển đổi số như Bản đồ số VMAP, số hoá thông tin liệt sỹ hay xây dựng địa chỉ số, dữ liệu dân cư.
Chúng tôi đánh giá cao sự cống hiến này của các bạn trẻ và tin tưởng rằng với sức trẻ Vietnam Post hôm nay, chúng tôi sẽ có một thế hệ kế cận đầy sức sống, tri thức, năng lực để dựng xây Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trở thành một tổ chức kinh tế có quy mô lớn, phát triển bền vững, giữ vững vai trò vị thế doanh nghiệp Bưu chính quốc gia số 1 Việt Nam vươn tầm quốc tế”. Ông Chu Quang Hào cho biết thêm.
Đại hội đã bầu các nhân sự chủ chốt khoá III, nhiệm kỳ 2022 - 2027, bầu bí thư trực tiếp tại Đại hội. Đồng chí Lê Xuân Huy tái đắc cử Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2022 - 2027.
Đại hội cũng bầu BCH Đoàn Thanh niên Bưu điện Việt Nam khóa III gồm 19 người; bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đoàn Khối Doanh nghiệp T.Ư gồm 08 đại biểu chính thức và 02 đại biểu dự khuyết.
Tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Đoàn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã bầu ra Ban Thường vụ gồm 05 đồng chí; đồng chí Nguyễn Thị Thái Hà được bầu giữ chức vụ Phó Bí thư kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đoàn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.
Thu Hương (mic.gov.vn)