Ngay sau khi Nghị quyết 52-NQ/TW được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền nội dung của Nghị quyết, chỉ đạo các cấp ủy xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể hóa nội dung Nghị quyết phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị; tổ chức quan triệt, phổ biến tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Các hình thức tuyên truyền Nghị quyết số 52-NQ/TW được thực hiện đa dạng đảm bảo phù hợp với các đối tượng tuyên truyền. Thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động của đảng viên, cán bộ, công chức, doanh nghiệp và Nhân dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của cuộc CMCN 4.0 đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo, thực hiện mục tiêu đề ra về chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 33-CTr/TU, ngày 10/7/2020 trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2025: Kinh tế số chiếm khoảng 20% GRDP; tập trung nâng cấp hạ tầng Internet băng thông rộng tại các xã, phường, thị trấn; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội của tỉnh; hoàn thành quy hoạch đồng bộ thành phố thông minh gắn với quy hoạch tỉnh. Đến năm 2030: Phủ sóng mạng di động 5G để mọi người dân được được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp; kinh tế số chiếm trên 30% GRDP; hình thành 01 đô thị thông minh theo quy hoạch tỉnh kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong toàn quốc.
Với mục tiêu đó, tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Với 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến là Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình; 05 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định với hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn. Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile); các nhà mạng đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Tỷ lệ phủ sóng di động theo khu dân cư đạt 95,8% (151/151 xã, phường, thị trấn có đặt trạm BTS để phủ sóng thông tin di động). Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên 900.000 thuê bao; thuê bao băng rộng cố định trên 120 nghìn thuê bao; xây dựng mới nhiều tuyến cáp quang, nâng số cáp quang toàn tỉnh lên trên 9.000 km cáp.
100% các các cơ quan Đảng, đoàn thể và cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước đã được triển khai tại 183 điểm, trong đó, có 32 điểm tại các ban, sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và 151 điểm tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
Tiếp tục duy trì, cập nhật kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Hòa Bình, phiên bản 2.0 phù hợp khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0 nhằm bổ sung, cập nhật mô hình kiến trúc phù hợp với sự phát triển của xu hướng phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; cập nhật các xu thế công nghệ như Cloud Computing, AI, Big Data và hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng chia sẻ, tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) để phục vụ mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến tỉnh được đầu tư với các điểm cầu kết nối từ Tỉnh ủy đến các Đảng ủy trực thuộc và tới hầu hết các chi, đảng bộ cơ sở; 11 điểm cầu kết nối từ Ủy ban nhân dân tỉnh tới các huyện, thành phố phục vụ các cuộc họp của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh với các địa phương.
Bên cạnh đó, đã triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thành lập Đội Ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Hòa Bình và triển khai thực hiện các quy định, kế hoạch về ứng phó sự cố, các hoạt động của Đội Ứng cứu sự cố và tham gia hoạt động của mạng lưới ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng quốc gia. Tại 100% các ban, sở, ngành, các huyện, thành phố đã được trang bị các thiết bị tường lửa tối thiểu, cài đặt phần mềm diệt virus cho các máy tính cá nhân. Đến nay, các sự cố đều được khắc phục, ngăn chặn kịp thời, không có trường hợp sự cố nghiêm trọng nào xảy ra đối với các hệ thống thông tin của tỉnh.
Nhằm thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 04-ĐA/TU, ngày 11/10/2021 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025; Tổ chức cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình”. Thực hiện hỗ doanh nghiệp tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại các tỉnh, giao ban khoa học và công nghệ vùng; hỗ trợ kinh phí xác lập quyền Sở hữu công nghiệp theo quy định cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh…
Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc đạt 100%, cấp xã đạt 80%. Hiện tại, 100% các ban, sở, ngành, đảng ủy trực thuộc, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố bố trí cán bộ chuyên trách hoặc phụ trách về công nghệ thông tin. Trong đó, tỷ lệ cán bộ chuyên trách có trình độ cử nhân về công nghệ thông tin trở lên đạt 100% và tỷ lệ cán bộ, công chức được giao phụ trách về công nghệ thông tin đã được đào tạo về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị chuyên sâu về công nghệ thông tin đạt 80%.
Trong phát triển kinh tế số, tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản. Tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử; xây dựng website thương mại điện tử để bán hàng trực tuyến phù hợp với mô hình, sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh hiện có khoảng 284 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp kinh doanh phân phối các sản phẩm công nghệ thông tin (các thiết bị công nghệ thông tin, thiết bị điện tử viễn thông) với 270 doanh nghiệp (chiếm 95%); 09 doanh nghiệp sản xuất công nghệ thông tin (chiếm 3%) và 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệthông tin (trừ kinh doanh, phân phối - chiếm 2%).
Về xã hội số, tổng số thuê bao điện thoại duy trì mạng trên 800 nghìn thuê bao, tỷ lệ máy điện thoại sấp sỉ đạt 100 máy/100 dân. Số lượng thuê bao Internet ước đạt trên 600 nghìn thuê bao. Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 71%. Tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 54%. Thuê bao truyền hình IPTV, truyền hình cáp đạt trên 48 nghìn thuê bao. 100% các trường học trên địa bàn xã đã trang bị nền tảng học trực tuyến để phục vụ công tác dạy và học trên môi trường mạng. 100% các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế.
Việc thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông và đồng bộ. Việc trao đổi văn bản điện tử và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thông qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã được triển khai tới 100% cơ quan Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống văn bản điện tử của khối các cơ quan Đảng để phục vụ gửi nhận văn bản điện tử 4 cấp giữa các cơ quan Đảng, chính quyền... Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt trên 97%. Tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp 1.060 chữ ký số cho tổ chức và 5.021 chữ ký số cá nhân thuộc các các cơ quan Nhà nước. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Cấp hơn 13.000 địa chỉ thư điện tử (địa chỉ mail.hoabinh.gov.vn), trong đó 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp địa chỉ thư điện tử phục vụ cho việc trao đổi thông tin, văn bản. Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại các cơ quan đạt trên 50%. Tổng số sổ, dữ liệu hộ tịch đã được tiến hành số hóa là 5.875/12.576 (đạt 46,7%), 365.312/754.566 dữ liệu (đạt 48,4%); đã số hóa 839.745 hồ sơ cấp Chứng minh nhân dân 9 số đang lưu trữ tại tàng thư, Căn cước công dân, đạt 100%. Số hồ sơ cư trú trên hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư trên địa bàn tỉnh là 222.213 hộ (940.293 nhân khẩu), trong đó đã số hóa được 22.466/67.386 hồ sơ được lưu trư theo 02 hình thức trên phần mềm quản lý tàng thư hồ sơ cư trú điện tử và hồ sơ cư trú giấy. Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học, kết quả tính đến năm 2022 có 100% cơ sở giáo dục được kết nối Internet tốc độ cao (82,6% kết nối băng thông rộng FTTH, còn lại là 3G); 84,4% cơ sở giáo dục kết nối mạng LAN và Wifi; 55% cơ sở giáo dục có phòng học máy tính; 47% cơ sở giáo dục phổ thông có phòng trình chiếu đa năng..../.
CTTĐT