Truyền hình KHCN

Tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số.

Đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa có văn bản số 797/BTTTT-THH ngày 06 tháng 03 năm 2022 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy triển khai chuyển đổi số năm 2022.

Theo Bộ TT&TT, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực để triển khai chuyển đổi số và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Có thể coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện.

Bộ TT&TT đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thúc đẩy chuyển đổi số năm 2022 với định hướng xuyên suốt là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam, giúp người dân, doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp sự tiện lợi cũng như lợi ích của chuyển đổi số. Cụ thể:

- Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử cho người dân và các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể.

- Phổ cập sử dụng nền tảng dạy học trực tuyến, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân chủ động sử dụng các nền tảng số phục vụ việc học tập, ôn luyện các môn học về khoa học tự nhiên, ngoại ngữ, kỹ năng số, kỹ năng mềm.

- Phổ cập sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn sức khỏe cá nhân, kết nối trực tiếp giữa người dân với bác sĩ theo quy định của pháp luật, sử dụng nền tảng số hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa của các bệnh viện.

- Phổ cập sử dụng nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như liên lạc, giải trí, du lịch, đi lại, ăn uống và bảo đảm an toàn thông tin mạng.

- Phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.

- Phổ cập sử dụng nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Bộ TT&TT cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo triển khai 22 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022 để thực hiện các định hướng nêu trên.

Nguồn: vista.gov.vn


Ngày 17/3/2022 tại thành phố Bắc Giang, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc 2022, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo địa phương năm 2021, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và những năm tiếp theo.

Quang cảnh Hội nghị

Hội nghị cũng là dịp để toàn ngành tăng cường kết nối, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong Bộ Khoa học và Công nghệ với các Sở Khoa học và Công nghệ, giữa các địa phương với nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung là triển khai thực hiện nhiệm vụ đạt kết quả cao, khoa học và công nghệ đóng góp nhiều hơn nữa cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tham dự Hội nghị có đ/c Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; các đ/c Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Trần Văn Tùng, Nguyễn Hoàng Giang; Giám đốc, Phó Giám đốc của 63 Sở Khoa học và Công nghệ của các tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các cán bộ quản lý công tác ở các địa phương của các Sở Khoa học và Công nghệ.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm thứ hai thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025.  Ngày 08/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. Trong các Nghị quyết này, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập nhiều. Chính phủ đã coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Đồng thời ở cả trong 2 Nghị quyết đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ nói riêng và ngành khoa học và công nghệ nói chung rất nhiều nhiệm vụ phải tập trung triển khai thực hiện.

Theo Báo cáo tại Hội nghị của đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức riển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể về hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xem xét hỗ tợ 311 nhiệm vụ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, các địa phương đã triển khai 2.104 nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã giúp cho địa phương giải quyết nhiều vấn đề lớn cũng như những thách thức đặt ra từ thực tiễn sản xuất. Về lĩnh vực khoa học nông nghiệp, xuất khẩu nông sản của Việt Nam ước đạt 47 tỷ USD.  Năm 2021, theo báo cáo các địa phương, sản lượng vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tiêu thụ và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Đức… cao nhất từ trước đến nay. Đã sản xuất hơn 400 ha Na được chứng nhận xuất khẩu theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; tổng giá trị sản xuất ước đạt 1.200 tỷ đồng.

Khoa học và công nghệ đã tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn như: khảo nghiệm các giống cây; phục tráng và chuyển giao thành công quy trình kỹ thuật canh tác và giống lúa Khẩu Hốc siêu nguyên chủng; chọn tạo được bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ gieo trồng; làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm chất lượng cao có khả năng kháng 5 loại bệnh nguy hiểm; làm chủ được công nghệ nuôi cá tra tạo ra năng suất trung bình khoảng 300 tấn cá tra/ha… Về lĩnh vực khoa học y - dược, được quan tâm đầu tư tập trung nghiên cứu dược liệu, phát triển y học cổ truyền, đề xuất chuyển giao ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh y tế cộng đồng… Về hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phòng chống dịch COVID-19, khoa học và công nghệ đã thể hiện rõ vai trò trong phòng chống dịch như: Xây dựng Bản đồ số tổng hợp số liệu về dịch COIVD-19; chuyển giao ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch bệnh COVID-19; ứng dụng công nghệ sản xuất dung dịch nước rửa tay sát khuẩn nhanh hỗ trợ các khu cách ly và chốt kiểm dịch;…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương vẫn tồn tại những hạn chế như: nguồn kinh phí cho khoa học và công nghệ còn thiếu, chưa có cơ chế khơi thông nguồn lực  đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng… Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương, năm 2022 Bộ Khoa học và Công nghệ và các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương sẽ  đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục đầu tư tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập; tăng cường hợp tác với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế; tìm kiếm và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hợp tác trong công tác nghiên cứu giải quyết tốt các vẫn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương trong việc triển khai nghiên cứu, phát triển đồng bộ chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng có tính liên vùng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, ngành khoa học và công nghệ sẽ tăng mức đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để dần đảm bảo tỷ lệ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực cho hoạt động khoa học và công nghệ của địa phương.

Tại hội nghị các đại biểu đã được nghe các ý kiến về triển khai Nghị quyết số 01 và số 02/NQ-CP của Chính phủ, nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể về khoa học và công nghệ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; những vấn về khoa học và công nghệ các địa phương; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; thúc đẩy hình thành tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; cơ chế khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu  khoa học, ứng dụng  kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương; … Từ đó tập trung trao đổi, thảo luận tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp phát triển khoa học và công nghệ cho giai đoạn tiếp theo.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu chỉ đạo Hội nghị (Ảnh: VGP/HG)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ sẽ tiếp thu, xử lý các ý kiến của các địa phương. Bộ trưởng cho biết, năm 2022 ngành khoa học và công nghệ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi. Từ đây đến cuối nhiệm kỳ này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua 4 luật nữa (Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Năng lượng nguyên tử). Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo các Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm, chỉ đạo việc tham mưu cho lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong việc tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình triển khai các luật trên, cũng như đề xuất, kiến nghị các quy định cần đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung. Đây là việc quan trọng, tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho hoạt động khoa học, và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nhiều năm tới. Ngoài ra, Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đang được Chính phủ xem xét sớm ban hành nên các địa phương quan tâm thực hiện ngay trong năm nay bằng các kế hoạch, đề án cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng tỉnh, thành phố.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tổ chức thí điểm tính Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh ở một số địa phương, có tính đại diện cho cả 7 vùng kinh tế của cả nước. Việc tính toán này không chỉ là xếp hạng giữa các tỉnh, thành phố, mà còn là công cụ để mỗi tỉnh biết được điểm mạnh, điểm yếu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của từng tỉnh để có căn cứ cải thiện các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Bộ trưởng cũng cho biết, tháng 4 năm nay, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ báo cáo Bộ Chính trị Đề án phát triển công nghệ sinh học cho giai đoạn tới. Dự kiến Trung ương sẽ ban hành một nghị quyết riêng về nội dung này. Đây là một trong những chủ trương lớn của Trung ương trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nên các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương cần tham mưu các tỉnh, thành ủy tổ chức triển khai Nghị quyết này sau khi được ban hành. Ngoài ra, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chọn năm 2022 là Năm quốc tế khoa học cơ bản vì phát triển bền vững. Năm 2022 cũng là năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức Ngày hưởng ứng Ngày đổi mới sáng tạo thế giới (21/4 hằng năm). Bộ trưởng đề nghị các Sở Khoa học và Công nghệ quan tâm đến hai sự kiện này để chủ trì tổ chức ở các địa phương hiệu quả, tiết kiệm, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Nguồn: vista.gov.vn

KYKETDHQGHN 1

Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu chứng kiến UBND tỉnh và Đại học Quốc gia Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác 

Ngày 17/3/2022, Uỷ ban nhân dân tỉnh và Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội nghị ký Thoả thuận hợp tác về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, giai đoạn 2021-2025.

Tham dự Hội nghị, về phía tỉnh Hòa Bình có Đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành có liên quan. Về phía Đại học Quốc gia Hà Nội có GS.TS Lê Quân, Giám đốc; các đồng chí Phó Giám đốc, lãnh đạo các Viện, phòng, ban, khoa và các trường trực thuộc.

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên, cùng giải quyết những vấn đề thực tiễn trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Trong không khí cởi mở, thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết, hai bên đã trao đổi, giới thiệu về các lĩnh vực là thế mạnh có cơ hội hợp tác trong thời gian tới và đi đến thống nhất hợp tác toàn diện về đào tạo, khoa học và công nghệ, theo đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; tư vấn chính sách phát triển KT-XH. Đối với nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ các nội dung hợp tác tập trung vào các lĩnh vực: Nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và công nghệ, y - dược và lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

KYKETDHQGHN 2

Đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hoà Bình thông qua Dự thảo thỏa thuận hợp tác

Bên cạnh đó, các bên tham dự cũng đã thảo luận về những nội dung, định hướng hợp tác cụ thể cho năm 2022 - 2023.

Tại Hội nghị đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy mong muốn chương trình hợp tác sẽ mang lại lợi ích bền vững, lâu dài giữa hai bên. Đặc biệt, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ trợ giúp tỉnh ở 3 lĩnh vực quan trọng trong thỏa thuận hợp tác.

Kết thúc Hội nghị, lãnh đạo hai bên tin tưởng và đánh giá cao những nội dung trong biên bản thỏa thuận, đồng thời nhất trí sẽ cụ thể hóa biên bản thỏa thuận thành các kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ để triển khai và tổng kết đánh giá, từ đó đưa ra những kế hoạch cụ thể cho thời gian tiếp theo. Đồng thời, giao cho các đơn vị chức năng phối hợp cùng triển khai hiệu quả các điều khoản trong văn bản thỏa thuận.

Việc ký thỏa thuận hợp tác là một trong những nội dung thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU ngày 11/10/2021 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình về "Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025". Đây là một trong những bước đi cụ thể, thiết thực, tạo một dấu ấn quan trọng trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình và Đại học Quốc gia Hà Nội hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài và hiệu quả.

Mai Anh

Năm 2021, Thông điệp cho Ngày Sở hữu trí tuệ 26-4 của WIPO là "Doanh nghiệp nhỏ và vừa với Sở hữu trí tuệ: Mang ý tưởng của bạn đến với thị trường".

shtt2021
World Intellectual Property Day – April 26, 2021
IP & SMEs: Taking your ideas to market (Ảnh: wipo.int)
 

Ngày 26/4 hàng năm, chúng ta kỷ niệm Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới để tìm hiểu về vai trò của sở hữu trí tuệ trong khuyến khích hoạt động đổi mới và sáng tạo.

Mỗi hoạt động kinh doanh bắt đầu từ một ý tưởng. Mỗi trong số hàng triệu doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động hằng ngày trên khắp trái đất đã bắt đầu từ một ý tưởng hình thành trong tâm trí một ai đó và tìm cách đưa ý tưởng đó ra thị trường.

Khi được nuôi dưỡng và làm phong phú bằng sự khéo léo, bí quyết kỹ thuật và tài năng, một ý tưởng sẽ trở thành một tài sản trí tuệ có thể dẫn hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp, sự phục hồi của nền kinh tế và sự tiến bộ của nhân loại.

Những bộ óc sáng tạo trên khắp thế giới – các kiến trúc sư, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà thiết kế, kỹ sư, doanh nhân, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và nhiều những người khác – đưa ra những ý tưởng mới mỗi ngày. Từ nghệ thuật đến trí tuệ nhân tạo, từ thời trang đến nông nghiệp, từ năng lượng tái tạo đến bán lẻ, từ truyền hình đến du lịch, và từ thực tế ảo đến các trò chơi video, chỉ mới là một vài cái tên.

Một số ý tưởng của họ chuyển thành các sản phẩm và dịch vụ mà chúng ta muốn mua. Một số khác thì không làm được. Hành trình đến thị trường có thể rất rủi ro. Nhưng với việc chú trọng vào quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp có thể dự đoán, điều hướng và quản lý tốt hơn nhiều khúc quanh mở đường cho thương mại hoá.

Ở thời điểm khi nhu cầu phục hồi nền kinh tế đang ở mức cao, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2021 thắp sáng vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế và cách mà các doanh nghiệp này có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để xây dựng doanh nghiệp mạnh hơn, cạnh tranh hơn và có sức bền hơn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa là trụ cột của nền kinh tế quốc gia. Họ cung cấp hàng hoá và dịch vụ mà chúng ta cần hằng ngày; họ tạo ra những đổi mới đột phá và những sáng tạo đầy cảm hứng, và họ tạo ra việc làm; một số sẽ trở thành các doanh nghiệp hàng đầu thế giới của ngày mai.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm khoảng 90% số doanh nghiệp trên thế giới, sử dụng khoảng 50% lực lượng lao động toàn cầu và tạo ra tới 40% thu nhập quốc dân ở nhiều nền kinh tế mới nổi, hơn thế nữa, nếu bạn tính đến cả các doanh nghiệp phi chính thức.

Mỗi doanh nghiệp đều đã lên một ý tưởng và kết hợp nó với sự khéo léo để sáng tạo ra một sản phẩm hoặc dịch vụ mà người tiêu dùng mong muốn. Và mỗi doanh nghiệp có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ và tạo ra giá trị từ các tài sản của mình. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không biết rằng họ đang nắm giữ tài sản trí tuệ hoặc rằng nó có giá trị. Điều này có nghĩa là, nhiều doanh nghiệp đang bỏ lỡ cơ hội cải thiện vị thế và tăng trưởng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, khi các doanh nghiệp hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ, và khi họ có được và quản lý quyền sở hữu trí tuệ thì họ sẽ làm tốt hơn.

Nếu bạn là người mới bước vào thế giới sở hữu trí tuệ, Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 2021 là cơ hội để tìm hiểu cách mà các công cụ của hệ thống sở hữu trí tuệ - nhãn hiệu, kiểu dáng, quyền tác giả, sáng chế, bí mật thương mại, chỉ dẫn địa lý, và nhiều hơn nữa - có thể hỗ trợ bạn khi đưa các ý tưởng của bạn ra thị trường.

Với quyền sở hữu trí tuệ, bạn có thể biến một ý tưởng thành cơ hội kinh doanh, tạo ra giá trị, tạo việc làm và làm phong phú thêm sự lựa chọn các sản phẩm có sẵn cho người tiêu dùng. Với quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp của bạn có thể phát triển và cộng đồng của bạn có thể phát triển. Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2021 cũng nêu bật vai trò trung tâm của WIPO và các cơ quan Sở hữu trí tuệ quốc gia và khu vực trên toàn thế giới trong việc tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hướng tới đổi mới và sáng tạo, đẩy mạnh phục hồi nền kinh tế và tạo ra việc làm.

Hãy cùng chúng tôi tôn vinh sự khéo léo và sự sáng tạo ẩn chứa trong mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự dũng cảm của họ tạo ra khác biệt và những đóng góp trong việc nâng cao cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Hãy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại trên đất nước mình.

Nguồn: Dịch từ bản tiếng Anh của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)

Liên kết nguồn tin: https://www.wipo.int/ip-outreach/en/ipday/

Theo: Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn – Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, xây dựng chính quyền điện tử, cải thiện chất lượng dịch vụ công, giảm tiêu cực phiền hà, giảm tối đa thời gian, chi phí của người dân và doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong thời gian tới. Sở Khoa học và Công nghệ đã đẩy mạnh việc áp dụng triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Cụ thể, để đăng ký tài khoản, sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công tỉnh tại địa chỉ trang dichvucong.hoabinh.gov.vn. Các bước đăng ký, tạo tài khoản và nộp hồ sơ trực tuyến như sau:

Bước 1:

Đăng nhập vào địa chỉ link: https://dichvucong.hoabinh.gov.vn/hoabinh-portal/. Vào mục đăng ký (nếu chưa đăng ký tài khoản); đăng nhập (khi đã đăng ký tài khoản).

 3 4 dang ky

Đối với đăng ký tài khoản mới sẽ hiện bảng biểu và làm theo hướng dẫn:

 3 4 dang nhap

Bước 2:

Khi đã hoàn thành việc đăng ký tài khoản để bắt đầu đăng nhập vào hệ thống, clik vào ô: Đăng nhập cổng DVC Quốc gia. Khi đó màn hình hiển thị 02 tài khoản:

+ Tài khoản cấp bởi Cổng DVC Quốc gia: Hiện được sử dụng tốt do dễ đăng ký và thực hiện (cán bộ nên hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân giao dịch qua dịch vụ này).

+ Tài khoản cấp bởi Bưu điện Việt Nam: Giới thiệu cho các tổ chức, cá nhân đên trực tiếp đăng ký tại Bưu điện tỉnh, các huyện, thành phố (do cá nhân, tổ chức đó phải cung cấp ảnh, chứng minh nhân dân và làm việc trực tiếp với cán bộ bưu điện).

Sau khi đăng nhập tài khoản (tên đăng nhập; mật khẩu; mã xác thực) tổng đài sẽ gửi mã OTP qua điện thoại, sau đó nhập vào ô yêu cầu để vào màn hình chính các giao dịch. Từ đây bắt đầu thực hiện nộp hồ sơ:

+ Chọn “Cấp đơn vị”: Cấp Sở.

+ Chọn đơn vị: Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình

+ Chọn lĩnh vực: An toàn bức xạ, quản lý khoa học…

+ Lựa chọn mức độ dịch vụ: 2, 3, 4. Khi đó sẽ hiện lên danh mục TTHC cần giao dịch:

     3 4                                                                                                             

Click vào ô “Nộp hồ sơ”, và trên màn hình hiển thị Bảng để điền các thông tin theo yêu cầu. Sau khi hoàn tất việc điền các thông tin, click vào ô “Nộp hồ sơ” để gửi đến Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Tại đây có thể kiểm tra hồ sơ của mình nộp đã được tiếp nhận hay chưa tại mục “Quản lý hồ sơ”.

Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mọi tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi; tra cứu thông tin về thủ tục, tình trạng hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi. Chỉ sau vài thao tác đơn giản trên máy tính hoặc thiết bị di động có kết nối Internet, hồ sơ đăng ký đã được gửi tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; tra cứu thông tin về thủ tục, tình trạng hồ sơ nhanh chóng, thuận lợi.

Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ngoài việc tổ chức, công dân có thể đăng ký hồ sơ trực tuyến mọi lúc, mọi nơi mà người sử dụng còn nhận được kết quả giải quyết thủ tục hành chính gửi qua đường bưu điện, người sử dụng sẽ thực hiện thanh toán phí, lệ phí, cước phí bưu chính theo quy định (nếu có). Hay nói đơn giản hơn là với dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tổ chức, công dân không cần đến cơ quan nhà nước mà vẫn có thể đăng ký và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Mai Anh

Tìm kiếm...

2

Dan hoi GD So tra loi
bkhcn
DCS-VN chinh-phu
tap chi KHCN Báo Khoa học & Phát triển
NASATI Varans

 

Logo DVC 123 

Thống kê truy cập

2702968
Hôm nay
Hôm qua
Tuần này
Tuần trước
Tháng này
Tháng trước
Tất cả các ngày
123
296
1773
2693884
18305
46546
2702968

Your IP: 18.97.14.90
2025-04-24 01:40