-
Được đăng: 26 Tháng 11 2024
-
Lượt xem: 80
Hòa Bình xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, nhưng có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên trong quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, là động lực của chuyển đổi số đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024.
Hòa Bình xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay
Hoàn thiện thể chế số
Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã tham mưu xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, trọng tâm như: Quyết định số 203/QĐ-UBND ngày 02/02/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc giao chỉ tiêu giải
quyết hồ sơ trực tuyến, hồ sơ trực tuyến toàn trình cho các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hoà Bình năm 2024; Quyết định số 389/QĐ-UBND ngày 19/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc giao chỉ tiêu hồ sơ thanh toán trực tuyến, thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024; Quyết định số 17/2024//QĐ-UBND ngày 27/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Ban hành Quy chế hoạt động của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Hòa Bình; Quyết định số 38/2024/QĐ-UBND ngày 20/9/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ban hành Quy chế Quản lý, vận hành và khai thác Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Hòa Bình; ....
Qua triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số năm 2024, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã nỗ lực thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo chuyển biến mới trong ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Giúp nâng cao nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân ở các cấp đối với công tác đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin là nhiệm vụ ưu tiên trong triển khai các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý của Nhà nước.
Phát triển hạ tầng số
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 07 doanh nghiệp (Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, VietNamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV) đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet, trong đó 02 doanh nghiệp đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến, vô tuyến. Hạ tầng mạng thông tin di động có 04 doanh nghiệp. Các nhà mạng di động đã phủ sóng di động 3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Xây dựng mới nhiều tuyến cáp quang, nâng số cáp quang toàn tỉnh trên 9.000 km cáp với tỷ lệ xã có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang đạt 100%.
Hạ tầng mạng đến nay, 100% các đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị- xã hội cấp tỉnh, huyện, xã đã kết nối mạng LAN và Internet với đường truyền mạng truyền số liệu chuyên dùng hoặc đường truyền cáp quang để triển khai các ứng dụng trong công việc. Mạng Truyền số liệu chuyên dùng cấp II đã được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã phục vụ cho việc thiết lập kênh truyền riêng phục vụ vận hành các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được thông suốt, an toàn, bảo mật. 100% cơ quan Đảng, Nhà nước các cấp đã trang bị máy tính phục vụ công việc, góp phần tạo môi trường làm việc điện tử rộng khắp, tăng năng suất, hiệu quả công việc.
Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) quản lý, vận hành thường xuyên được đầu tư nâng cấp với 37 máy chủ. Trung tâm đóng vai trò là nền tảng giúp hình thành CSDL tập trung, thống nhất, cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu và các ứng dụng đảm bảo tính an toàn trong việc trao đổi thông tin của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, một số Sở, ngành có Trung tâm dữ liệu nhỏ có từ 03- 10 máy chủ để cài đặt các phần mềm, CSDL chuyên ngành.
Chính quyền số
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh bao gồm Cổng dịch vụ công tỉnh Hòa Bình với tên miền “https://dichvucong.hoabinh.gov.vn” hiện đang cung cấp 1.047 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 837 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tích hợp 1.264 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp dùng chung hệ thống thanh toán trực tuyến của tỉnh với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia. Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại đã cấp được 6.716 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân. Theo đó, 100% các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã sử dụng chữ ký số của tổ chức và cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định, 100% cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đều được cấp hộp thư điện tử công vụ phục vụ trao đổi công việc mở rộng đến các đơn vị sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, số tài khoản thư điện tử đã cấp cho các cơ quan đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh là trên 14.000 tài khoản.
Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh tiếp tục vận hành hiệu quả để các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh thực hiện quy trình về soạn thảo, trình duyệt và gửi chế độ báo cáo định kỳ tới cơ quan tiếp nhận, tổng hợp. Hệ thống phòng họp không giấy tờ của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã được triển khai để tổ chức các cuộc họp UBND tỉnh, đảm bảo mục tiêu phục vụ tốt công tác triển khai cuộc họp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu, giúp hiện đại hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Cổng thông tin điện tử của tỉnh tại địa chỉ http://hoabinh.gov.vn gồm 01 Cổng chính và 180 Trang thông tin điện tử thành viên (19 sở, ban, ngành; 10 UBND cấp huyện và 151 xã, phường, thị trấn). Cổng thông tin điện tử tỉnh và trang thông tin điện tử thành phần thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin theo đúng quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ Quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan; Thông tư số 22/2023/TT-BTTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho Cổng thông tin điện tử và Trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước.
Kinh tế số và xã hội số
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã ban hành Chương trình số 49/CTR UBND ngày 21/03/2022 về xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đến nay, có 90% cán bộ và doanh nghiệp nhận thức được lợi ích ứng dụng thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử. Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thương mại điện tử loại hình doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Tiếp tục triển khai Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 26/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025. Đến nay, triển khai thực hiện thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch công: thuế, điện, nước viễn thông, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội… Kết quả đã có nhiều tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia thanh toán điện tử trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Hòa Bình đã khai trương ra mắt ứng dụng Công dân số Hòa Bình, qua đó hình thành một kênh tương tác chính thống giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp trên môi trường số; góp phần tăng cường tính minh bạch, hiện đại hóa nền hành chính, giúp cơ quan nhà nước thực hiện tốt và hiệu quả hơn nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực; nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp và kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm.
Hệ thống điều hành đảm bảo an ninh trật tự và giao thông thông minh thông qua hệ thống camera giám sát của Công an tỉnh
Ngoài ra nhiều hệ thống, website, app điện thoại được vận hành phục vụ cho người dân, doanh nghiệp như: Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình hoabinhtourism.vn; APP Hoabinh Tourism; hệ thống điều hành giao thông thông minh, bảo đảm trật tự an toàn giao thông và hệ thống giám sát bảo vệ các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; …
Nhìn chung, Chương trình chuyển đổi số của tỉnh đã có sự chỉ đạo thường xuyên, đồng bộ, có hệ thống từ tỉnh đến cơ sở và đã đạt được kết quả quan trọng. Xây dựng chính quyền số đã góp phần thay đổi phong cách làm việc của các cấp lãnh đạo, cán bộ, công chức, doanh nghiệp, bảo đảm khoa học, nhanh chóng, chính xác, văn minh, hiện đại; nâng cao hiệu quả công việc và chất lượng phục vụ tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân của các cơ quan nhà nước.
Quyết tâm chính trị về đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, đã tác động mạnh đến cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động trên địa bàn.
Trong thời gian tới tỉnh Hòa Bình tiếp tục hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh; từng bước hoàn thành chuyển đổi số đối với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên tập trung đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực. Phấn đấu tỉnh Hòa Bình nằm trong nhóm xếp hạng khá của quốc gia trong Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số DTI vào năm 2025. Đồng thời đẩy nhanh tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hạ tầng công nghệ thông tin thành hạ tầng số ứng dụng công nghệ điện toán đám mây phục vụ kết nối, quản lý các nguồn lực, dữ liệu của cơ quan nhà nước một cách an toàn, linh hoạt, ổn định, hiệu quả.
Bùi Hạnh
Tin mới
- KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG SẢN TỈNH HÒA BÌNH - 26/11/2024 07:54
- NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC THI CÔNG VỤ TỪ KẾT QUẢ HỘI THI SÁNG KIẾN CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH - 26/11/2024 07:47
- Hoạt động quản lý nhà nước về lĩnh vực thanh tra, kiểm tra tiêu chuẩn, đo lường chất lượng góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - 26/11/2024 07:39
- XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “CÁ DẦM XANH MAI CHÂU” - 26/11/2024 07:32
- BẢO TỒN, KHAI THÁC VÀ PHÁT TRIỂN GEN BẢN ĐỊA QUÝ BƯỞI ĐỎ TÂN LẠC - 26/11/2024 07:03
Các tin khác
- Cam Cao Phong vào vụ được mùa, được giá - 20/11/2024 02:49
- Nghiên cứu xử lý vật liệu giàu lignocellulose có nguồn gốc từ phế liệu nông, lâm nghiệp để sản xuất phân bón ứng dụng cho cải tạo đất - 20/11/2024 02:46
- Nghiên cứu đánh giá mức độ đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm đối với bao bì, dụng cụ thủy tinh gốm sứ và tráng men tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và tư vấn hỗ trợ thực hành tại doanh nghiệp - 20/11/2024 02:44
- Nghiên cứu xác định thành phần ngôn ngữ các dân tộc thiểu số trong mối quan hệ với vấn đề xác định thành phần dân tộc - 20/11/2024 02:41
- Xây dựng và phát triển thương hiệu cá, tôm Sông Đà - 20/11/2024 02:41